Ngành Quản trị kinh doanh: Cơ hội nghề nghiệp và mức lương

Feb 28, 2023 | KHOA HỌC QUẢN LÝ

Cơ hội việc làm và mức lương ngành Quản trị kinh doanh ra sao? Phù hợp với những ai? Zunia tổng hợp các thông tin về cơ hội nghề nghiệp ngành học này giúp bạn định hướng cho tương lai.

Ngành Quản trị kinh doanh: Cơ hội nghề nghiệp và mức lương

1. Mức lương của ngành Quản trị kinh doanh

Trong những năm gần đây, nhân viên ngành Quản trị Kinh doanh có cơ hội việc làm rất rộng khắp, cùng với đó là thu nhập hấp dẫn đến từ mức lương và các khoản thưởng doanh số, thưởng KPIs… Hiện tại, mức lương trung bình của ngành quản trị kinh doanh dao động trong khoảng 4 triệu – 21 triệu đồng/tháng. Tại những vị trí cấp cao, hoặc trong môi trường doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài, con số này còn cao hơn nhiều.

Theo thống kê của trang TimViec.Com, mức lương trung bình của các vị trí trong ngành Quản trị kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2022 như sau:

Mức lương theo kinh nghiệm:

  • Sinh viên mới ra trường: Từ 3 – 4 triệu/tháng
  • Nhân viên có 1-2 năm kinh nghiệm: Từ 5 – 8 triệu/tháng
  • Nhân viên có 2 năm kinh nghiệm trở lên: Từ 7 – 10 triệu/tháng (hoặc cao hơn từ 12 – 14 triệu/tháng)

Theo vị trí công việc:

  • Vị trí Nhân viên kinh doanh: từ 5 – 10 triệu/tháng ở Hà Nội; từ 7 – 12 triệu/tháng ở TP.HCM
  • Vị trí Nhân viên Marketing: từ 5 – 8 triệu/tháng ở Hà Nội; từ 6 – 10 triệu/tháng ở TP.HCM
  • Vị trí từ Trưởng phòng trở lên: từ 10 – 15 triệu/tháng
  • Vị trí Giám đốc Marketing hoặc Giám đốc Kinh doanh: 15 – 20 triệu/tháng (có thể cao hơn tùy vào năng lực và trách nhiệm)

Với những nhân viên kỳ cựu, có doanh số tốt, thâm niên từ 7-10 năm kinh nghiệm, vị trí từ Trưởng phòng trở lên có thể hưởng thu nhập lên tới 80 triệu/tháng.

2. Học ngành Quản trị kinh doanh ra trường làm gì?

Học Quản trị kinh doanh ra trường làm những công việc nào? chắc hẳn sẽ là thắc mắc của nhiều thí sinh bởi ngành học này đào tạo tổng quan và không chuyên sâu vào một lĩnh vực nào. Hiện có nhiều trường đào tạo và tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh, điều này làm nâng cao tính cạnh tranh của nhân lực trong ngành này, đòi hỏi bạn cần trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chắc chắn.

2.1. Các vị trí công việc của Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh

Ngành Quản trị kinh doanh được thiết kế để cung cấp cho người học nền tảng vững chắc về quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị tài chính, quản lý dự án, quản trị nhân sự, quản trị marketing, quản trị kinh doanh quốc tế và hậu cần. Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, ngành Quản trị kinh doanh được dự báo có nhu cầu nhân lực rất rộng mở trong tương lai. 

Vậy các vị trí việc làm ngành Quản trị kinh doanh sau khi ra trường như thế nào? Cùng tham khảo một số vị trí được Zunia tổng hợp sau đây nhé!

  • Thực tập sinh kinh doanh: vị trí này dành cho những người mới bắt đầu trong ngành Quản trị kinh doanh, tham gia vào các hoạt động bán hàng, tư vấn sản phẩn của doanh nghiệp hoặc tổ chức để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
  • Nhân viên kinh doanh: là người chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tư vấn và thuyết phục họ chuyển đổi thành khách hàng thực tế, tạo dựng quan hệ và chăm sóc khách hàng hiện tại, mở rộng thị trường.
  • Chuyên viên tư vấn khách hàng: là người chịu trách nhiệm tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ và chiến lược kinh doanh. Có thể chuyên về một lĩnh vực cụ thể như tài chính, bất động sản, hoặc kinh doanh quốc tế.
  • Chuyên viên quản trị nhân sự: là người chịu trách nhiệm về quản lý và phát triển nhân sự của công ty, lập kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân sự đảm bảo nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc và gắn bó lâu dài cùng công ty.
  • Chuyên viên tài chính: là người chịu trách nhiệm về quản lý tài chính của công ty, đảm bảo rằng công ty có đủ nguồn vốn để hoạt động và đầu tư vào các dự án mới.
  • Chuyên viên phân tích, nghiên cứu thị trường: là người chịu trách nhiệm giúp công ty tìm hiểu đối tượng khách hàng mục tiêu, các sản phẩm có nhu cầu cao và làm thế nào để quảng bá thành công các sản phẩm/dịch vụ đó thông qua các số liệu thực tiễn.
  • Chuyên viên marketing: là người chịu trách nhiệm tìm kiếm ý tưởng, thực hiện các chiến dịch tiếp thị, quảng bá, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, mở rộng thị trường và thúc đẩy doanh số.

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm Podcast Hướng nghiệp ngành Quản trị kinh doanh mà Zunia đã tổng hợp để hiểu rõ hơn về cơ hội nghề nghiệp của ngành học này nhé!

2.2. Cơ hội việc làm của ngành Quản trị kinh doanh

Nền kinh tế đang có nhiều bước tiến mạnh mẽ với sự hình thành cộng đồng kinh tế khu vực và thế giới. Theo đó, một loạt chính sách về ngoại thương, nguồn nhân lực cho khu vực sẽ tạo bước tiến mới cho các quốc gia có tiềm năng về con người, tài nguyên và đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2020 đến 2025, riêng tại TP.HCM, 1 năm cần khoảng 270.000 vị trí việc làm dành cho nguồn nhân lực liên quan đến ngành Quản trị kinh doanh.

Ngành Quản trị kinh doanh là một trong những ngành có nhiều cơ hội việc làm đa dạng. Tốt nghiệp ngành này các bạn có thể đảm nhiệm tốt các vị trí như: Chuyên viên tại phòng marketing, phòng kinh doanh, phòng kế hoạch; Nếu có điều kiện hơn, các bạn cũng có thể tự thành lập và mở công ty riêng hoặc học lên cao để trở thành giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

3. Ngành Quản trị kinh doanh phù hợp với những ai?

Ngành Quản trị kinh doanh phù hợp với những ai có sự quan tâm và đam mê trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý và lãnh đạo. Tuy nhiên, ngoài các đặc điểm cá nhân, ngành này còn phù hợp với những người có các yếu tố sau:

  • Tư duy phân tích và logic: Quản trị kinh doanh yêu cầu sự tư duy phân tích, logic để phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định thông minh về chiến lược kinh doanh.
  • Kỹ năng giao tiếp: Ngành này yêu cầu sự tương tác và giao tiếp với đối tác và nhân viên khác, do đó, người học cần có kỹ năng giao tiếp tốt để truyền đạt ý tưởng và thông tin một cách rõ ràng và hiệu quả.
  • Kỹ năng lãnh đạo: Quản trị kinh doanh yêu cầu sự lãnh đạo để quản lý nhân viên, xây dựng đội ngũ và đưa ra các quyết định tốt nhất cho công ty.
  • Tinh thần sáng tạo: Ngành này yêu cầu sự sáng tạo để đưa ra các ý tưởng và giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty.
  • Kiến thức về kinh tế: Người học cần có kiến thức về kinh tế để hiểu rõ về cơ sở lý thuyết của kinh doanh và áp dụng chúng vào thực tế.

Tóm lại, ngành Quản trị kinh doanh phù hợp với những người có đam mê trong lĩnh vực kinh doanh và có các kỹ năng, tinh thần và kiến thức phù hợp để thành công trong ngành này. Để tìm hiểu thêm về thông tin tuyển sinh và cơ hội việc làm của ngành Quản trị kinh doanh, các bạn có thể tham gia một số Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học uy tín tổ chức.

ZUNIA tổng hợp