Học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ra trường làm gì?

Apr 28, 2023 | BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể là làm những gì? Cùng khám phá qua bài viết dưới đây của Zunia nhé!

Học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ra trường làm gì?

Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đang trở thành một trong những ngành học được quan tâm và lựa chọn nhiều nhất hiện nay. Với tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và nhu cầu phát triển bền vững, ngành này đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ và tối ưu hóa tài nguyên cũng như giải quyết các vấn đề môi trường đang diễn ra trên khắp thế giới. Chương trình đào tạo của các trường tuyển sinh ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đều có sự kết hợp giữa các kỹ năng quản lý và định hướng phát triển bền vững, từ việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đến phát triển các chính sách và chiến lược bảo vệ môi trường, điều này sẽ giúp sinh viên phát triển những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngày một tăng cao.

1. Nhu cầu nhân lực ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Hiện nay, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đang trở thành một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cao tại Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ môi trường ô nhiễm cao nhất trên thế giới, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Do đó, việc quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường trở thành một ưu tiên hàng đầu của chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường năm 2022, bình quân mỗi ngày các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất độc hại, nhưng mới chỉ có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lí nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành). Ngoài ra, lượng rác thải sinh hoạt khu vực đô thị cũng ngày một tăng cao nhưng các khâu xử lý sau sử dụng đang bị bỏ ngỏ hoặc xử lý chưa triệt để và hiệu quả. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về môi trường để phân tích, dự báo các vấn đề ô nhiễm có thể xảy ra để phòng ngừa, ngăn chặn từ đầu là hết sức cần thiết trong quá trình phát triển của đất nước.

Nhu cầu về nhân lực trong ngành này tăng cao theo thời gian, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ đang đẩy mạnh thúc đẩy phát triển bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và tài nguyên. Các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này, do đó, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đang có nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng, đặc biệt là với các chuyên gia có trình độ cao và kỹ năng chuyên môn tốt.

Để hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm của ngành học này trong tương lai, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường mà Zunia đã tổng hợp để nghe các chuyên gia tư vấn về các vị trí công việc và các kỹ năng cần thiết để phát triển và thăng tiến trong ngành Quản lý tài nguyên và môi trường.

2. 6 công việc hấp dẫn ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang tìm kiếm nguồn nhân lực có chuyên môn về Quản lý tài nguyên và môi trường. Từ đó, có thể thấy sinh viên ngành học này có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Dưới đây là một số định hướng nghề nghiệp mà sinh viên ngành Quản lý tài nguyên môi trường có thể tham khảo và ứng tuyển sau khi hoàn thành chương trình học.

2.1 Kỹ sư kỹ thuật môi trường

Công việc của vị trí Kỹ sư kỹ thuật môi trường bao gồm việc nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề môi trường; áp dụng phát minh công nghệ sinh học, vật lý, hoá học vào xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường và tìm kiếm tài nguyên tái tạo nhằm phục vụ đời sống con người.

Sinh viên có thể ứng tuyển làm việc tại các cơ sở, xí nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường,...

2.2 Kỹ sư công nghệ môi trường

Công việc của vị trí Kỹ sư công nghệ môi trường tập trung vào việc việc nghiên cứu, phân tích, thiết kế, triển khai và giám sát các hệ thống xử lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó bao gồm nghiên cứu chất thải, quy trình công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, vật lý,...

Sinh viên có thể lựa chọn công tác tại các nhà máy, doanh nghiệp, khu sản xuất, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường,...

2.3 Kỹ sư quản lí môi trường

Kỹ sư quản lí môi trường là những chuyên gia có trình độ cao về quản lí và bảo vệ môi trường. Công việc của họ liên quan đến các hoạt động quản lí, giám sát và đánh giá các chương trình và dự án về môi trường, đảm bảo rằng các quy định về môi trường được thực hiện đầy đủ trong quá trình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp và tổ chức.

Sinh viên có thể làm việc giống như một cán bộ quản lý môi trường tại Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...

2.4 Cán bộ quản lí môi trường và du lịch sinh thái

Cán bộ quản lí môi trường và du lịch sinh thái có nhiệm vụ tổ chức và thực hiện các chương trình giáo dục môi trường và tăng cường nhận thức của cộng đồng địa phương về vấn đề bảo vệ môi trường và du lịch sinh thái bảo rằng các hoạt động này được thực hiện đúng cách hướng tới bảo vệ môi trường và bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Với định hướng nghề nghiệp này, sinh viên có thể lựa chọn làm việc tại các Viện thuộc Bộ ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở du lịch, Các công ty du lịch và lữ hành, Khu bảo tồn thiên nhiên,...

2.5 Cán bộ quản lí tài nguyên rừng

Cán bộ quản lí tài nguyên rừng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm về giám sát và đánh giá tình trạng tài nguyên rừng, lập và điều phối thực hiện kế hoạch quản lý rừng, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng.

Sinh viên có thể làm công việc này tại các cơ quản lý nhà nước các cấp, đơn vị nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Rừng phòng hộ,...

2.6 Kỹ sư khoa học môi trường

Kỹ sư khoa học môi trường là những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về môi trường và sự tương tác giữa con người và môi trường. Công việc của kỹ sư khoa học môi trường bao gồm đánh giá tác động môi trường, thiết kế và triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, nghiên cứu và phát triển các công nghệ xử lý môi trường,...

Sinh viên có thể làm việc tại các trường Đại học - Cao đẳng, các viện nghiên cứu hay tại cơ quan quản lý các cấp trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và quy hoạch môi trường.

Tóm lại, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đang mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và tiềm năng phát triển trong thời đại hiện tại, đặc biệt là khi môi trường và tài nguyên ngày càng trở thành vấn đề quan trọng của toàn xã hội. Để tham khảo thêm thông tin về cơ hội việc làm cũng như tiềm năng phát triển của ngành Quản lý tài nguyên và môi trường trong tương lai, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học uy tín tổ chức để có cơ hội gặp gỡ và giải đáp thắc mắc cùng các giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong ngành Quản lý tài nguyên và môi trường.

ZUNIA tổng hợp