Học ngành Thương mại điện tử ra trường làm gì?
Học ngành Thương mại điện tử ra làm gì? Cơ hội việc làm, mức lương ra sao? là những thắc mắc của các bạn học sinh trong quá trình chọn ngành, chọn trường. Với những thông tin mà Zunia tổng hợp dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.

Hiện nay xu hướng mua bán online ngày càng tăng kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực ngành Thương mại điện tử cũng tăng theo. Do đó, ngành học “hot” này được rất nhiều bạn trẻ quan tâm theo học, hiện nay có khá nhiều trường tuyển sinh ngành Thương mại điện tử, liệu điều này ảnh hưởng như thế nào đến mức lương và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai?
1. Mức lương của ngành Thương mại điện tử
1.1 Mức lương theo kinh nghiệm
Theo thống kê của trang TimViec.Com, mức lương ngành Thương mại điện tử theo kinh nghiệm trung bình khoảng:
- Sinh viên mới ra trường: Từ 3 - 8 triệu/tháng
- Nhân viên có 2 - 3 năm kinh nghiệm: từ 7 - 10 triệu/tháng
- Nhân viên có trên 5 năm kinh nghiệm: từ 12 – 15 triệu/tháng
1.2 Mức lương theo vị trí công việc
Theo thống kê của Timviec365, mức lương trung bình của các vị trí trong ngành Thương mại điện tử ở Việt Nam vào năm 2022 như sau:
- Vị trí Trợ lý Thương mại điện tử: 3 - 7 triệu/tháng
- Vị trí Chuyên viên/Nhân viên Thương mại điện tử: 6 - 10 triệu/tháng
- Vị trí Trưởng phòng Thương mại điện tử: 12 - 30 triệu/tháng
- Vị trí Giám đốc Thương mại điện tử: 30 - 50 triệu/tháng
Một số các vị trí khác trong ngành Thương mại điện tử có mức lương như sau:
- Chuyên viên kinh doanh thương mại điện tử, Chuyên viên quản lý quan hệ khách hàng, Nhân viên phụ trách kho hàng, Chuyên viên kiểm soát chất lượng: từ 8 - 10 triệu/tháng
- Chuyên viên dịch vụ khách hàng, Nhân viên phát triển ngành hàng, Nhân viên điều phối giao nhận, Nhân viên hậu mãi, Nhân viên phân loại hàng hóa, Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu: từ 7 - 9 triệu/tháng.
- Chuyên viên Marketing online, Chuyên viên SEO Marketing, Chuyên viên phân tích và xử lý dữ liệu, Graphic & UI Designer Thương mại điện tử: từ 10 - 12 triệu/tháng.
- Chuyên viên Google Ads, Chuyên viên quản lý đối tác thương mại điện tử, Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng, quản lý trung tâm điều phối: từ 12 - 15 triệu/tháng.
- Vị trí Quản lý dự án Logistics, Quản lý phát triển dự án thương mại điện tử: từ 15 - 20 triệu/tháng.
2. Học ngành Thương mại điện tử ra trường làm gì?
Ngành Thương mại điện tử là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao, vì vậy cơ hội việc làm của ngành học này là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng của ngành Thương mại điện tử đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh các hoạt động kinh tế thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng. Để hiểu kĩ hơn về cơ hội việc làm của ngành học này, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp Ngành Thương mại điện tử mà Zunia đã tổng hợp.
2.1. Các vị trí công việc của Cử nhân ngành Thương mại điện tử
Các vị trí công việc phổ biến cho các cử nhân ngành Thương mại điện tử bao gồm:
- Trợ lý thương mại điện tử: Vị trí công việc này hầu như ai cũng từng phải trải qua trong phòng thương mại điện tử, giúp bạn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Đây là những “bước chạy đà” đầu tiên để bạn tiến sâu hơn vào nghề.
- Chuyên viên Thương mại điện tử: Thực hiện quản lý các trang bán hàng, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp, bao gồm quản lý thông tin sản phẩm, thanh toán, các dữ liệu khác liên quan.
- Chuyên viên kinh doanh: Thực hiện tìm hiểu, nghiên cứu về thị trường, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; chủ động tìm kiếm khách hàng, phát triển mạng lưới tìm kiếm khách hàng trên các sàn thương mại điện tử.
- Chuyên viên dịch vụ khách hàng: Hỗ trợ và liên hệ trực tiếp với khách hàng trong việc tiếp nhận, giải đáp hoặc xử lý những thông tin thắc mắc, vấn đề mà khách hàng đang gặp phải trong quá trình trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ.
- Nhân viên phát triển ngành hàng: Thực hiện định vị, phát triển những ý tưởng mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, làm việc với những bộ phận khác để đưa ra ý kiến với đội ngũ kỹ thuật, Marketing, sản xuất.
- Chuyên viên Marketing Online: Lên kế hoạch marketing online, các chiến dịch truyền thông theo yêu cầu, theo dõi các số liệu, dữ liệu, lập báo cáo liên quan theo ngày, tuần, tháng, quý.
- Chuyên viên Google Ads: Phụ trách lên kế hoạch và triển khai các chiến dịch Google Ads, tạo và tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo, các trang đích (landing page) tìm kiếm có trả tiền; phân tích và tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo để tăng ROI.
- Chuyên viên SEO Marketing: Thực hiện xây dựng những chiến lược liên quan đến nội dung, từ khóa, link building, đảm bảo mục tiêu giúp website, trang bán hàng tăng thứ hạng ở những trang tìm kiếm.
- Chuyên viên Content Marketing: Thực hiện lên kế hoạch, định hướng, phát triển nội dung cho các website, trang bán hàng, sàn thương mại điện tử cho doanh nghiệp.
- Nhân viên điều phối giao nhận: Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến vận tải, lưu chuyển hàng hóa, cho thuê kho bãi, lưu giữ hàng hóa, dịch vụ vận tải và làm đại lý thủ tục hải quan,…
2.2. Cơ hội việc làm của ngành Thương mại điện tử
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành Thương mại điện tử các bạn sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn vị trí công việc và nơi làm việc phù hợp với mong muốn, định hướng của bản thân.
- Các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, logistic…
- Các cơ quan Nhà nước về thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương.
- Các trường Đại học có đào tạo chuyên ngành Thương mại điện tử.
- Đặc biệt nhất của sinh viên thương mại điện tử là có thể khởi nghiệp - start up với chính những kỹ năng được trau dồi trong quá trình học.
3. Ngành Thương mại điện tử phù hợp với những ai?
Zunia chia sẻ đến bạn một số yếu tố cho thấy bạn là người có đam mê và phù hợp với ngành Thương mại điện tử:
- Đam mê kinh doanh: Thương mại điện tử là lĩnh vực thuộc khối ngành kinh tế. Vì vậy, ngành nghề này rất phù hợp với những bạn yêu thích và đam mê kinh doanh. Bởi khi được học, được làm việc với đam mê của mình thì đó sẽ là động lực để bạn cố gắng và vượt qua khó khăn thử thách.
- Yêu thích công nghệ: Khi bạn học và làm việc trong lĩnh vực Thương mại điện tử thì công nghệ là một phần không thể tách rời. Chính vì thế, đam mê công nghệ là tố chất bạn cần phải có để theo đuổi ngành nghề thời thượng này.
- Thích nắm bắt xu hướng mới: Người học và làm việc trong lĩnh vực Thương mại điện tử cần phải có khả năng nhạy bén, nắm bắt kịp thời xu hướng mới của ngành, của công nghệ, ứng dụng được công nghệ mới để hoàn thành tốt công việc.
- Kỹ năng giao tiếp tốt: Trong lĩnh vực thương mại điện tử, kỹ năng giao tiếp giúp bạn gây ấn tượng và giữ chân được các khách hàng tiềm năng, giúp bạn biết cách nắm bắt tâm lý của người đối diện, phán đoán được nhu cầu của họ, từ đó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đem lại doanh thu hiệu quả nhất.
- Tư duy sáng tạo: Thương mại điện tử sử dụng phương thức quảng bá sản phẩm thông qua website, ứng dụng mua sắm trực tuyến, facebook, tiktok,… mà những kênh này thì thường xuyên đổi mới. Vì vậy, bạn cần bắt kịp cuộc đua sáng tạo ý tưởng, cập nhập xu hướng để có thể cạnh tranh, tạo sức hút riêng để thu hút được sự quan tâm của khách hàng.
- Khả năng ngoại ngữ: Thành thạo tiếng Anh giúp bạn giao tiếp tốt với khách hàng ngoại quốc, hiểu được khách hàng và thuyết phục được khách hàng lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
- Không ngại khó khăn và có ý định startup: Hiện nay thế hệ GenZ với cá tính riêng và không ngại trải nghiệm, không ngại khó khăn thường tạo ra rất nhiều thành công đột phá bằng cách khởi nghiệp với đam mê của bản thân, tạo nguồn thu nhập tốt mà không phải bắt đầu từ việc đi làm thuê với thời gian làm việc trong khuôn khổ cũ 8 tiếng/ngày.
Ngoài ra, để tìm hiểu thêm những thông tin về ngành nghề phù hợp với tính cách và sở thích, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức.
ZUNIA tổng hợp