Sinh viên ngành Du lịch ra trường làm gì?

Những thông tin về vị trí công việc, mức lương, cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp ngành Du lịch sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về cơ hội việc làm của ngành học này qua bài viết dưới đây.

Sinh viên ngành Du lịch ra trường làm gì?

Ngành Du lịch là một trong những ngành đào tạo được đánh giá cao về tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên ngành của mình. Vậy sau khi tốt nghiệp tại các trường tuyển sinh và đào tạo ngành Du lịch, sinh viên ra trường có thể làm gì? Cùng Zunia tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Quản lý du lịch

Trái ngược với hướng dẫn viên du lịch, những người quản lý du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng với các báo cáo, đề án, hồ sơ… Bên cạnh đó họ cũng chịu trách nhiệm trong việc gặp gỡ đối tác, tham dự hội thảo, tham gia các đợt quảng bá du lịch, đến nhiều nơi để tham quan, khảo sát, học hỏi, áp dụng kiến thức cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy những nhà quản lý du lịch thường có mối quan hệ rộng, am hiểu và có kỹ năng giao tiếp tốt. Có thể nói đây là công việc của những người có năng lực quản lý và hiểu biết sâu rộng về du lịch. 

2. Điều hành du lịch

Nhiệm vụ chính của những người điều hành du lịch (ví dụ Điều hành tour,...) là phân công việc cho các hướng dẫn viên, tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách, những vấn đề phát sinh trong tour để phối hợp với các bộ phận và cơ quan chức năng giải quyết, đồng thời nhận và giải quyết những khiếu nại của khách sau khi tour kết thúc. Bên cạnh đó họ còn có nhiệm vụ điều phối những người điều khiển phương tiện đưa đón và phục vụ khách (nếu có). 

3. Nhân viên marketing du lịch

Nhân viên marketing du lịch là những người đảm nhận công việc nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách cũng như những gì doanh nghiệp mình đã làm và cần làm để có hướng phát triển phù hợp, vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn. Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành các nghiên cứu thị trường khác theo yêu cầu của nhà quản lý, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng chương trình quảng bá cho từng sản phẩm du lịch với các mức giá cả, chất lượng để khách hàng dễ tiếp cận và chọn lựa. 

4. Kế toán lữ hành

Công việc kế toán lữ hành chủ yếu là lên kế hoạch chi phí, dự chi ngân sách, kiểm duyệt các khoản chi trong tour, lập danh sách khách du lịch, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến tour, quản lý, theo dõi tour và thu thập các chứng từ liên quan… Từ đó lập các báo cáo về chi phí, hiệu quả tour và quyết toán thuế của doanh nghiệp vào cuối kỳ. 

5. Hướng dẫn viên du lịch

Đây chính là công việc hay được các bạn nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành du lịch. Nhiệm vụ chính của một hướng dẫn viên du lịch là đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động du lịch theo yêu cầu, giới thiệu (hoặc liên hệ với người giới thiệu) tại các điểm du lịch, quản lý việc ăn, nghỉ, đi lại và đảm bảo sự an toàn cho khách trong suốt chuyến đi, trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc báo về trung tâm để được hướng dẫn… 

6. Nhân viên lễ tân

Công việc chính của nhân viên lễ tân là nhận điện thoại, trả lời các thông tin liên quan đến doanh nghiệp mình, tiếp đón khách, nhận thông tin về yêu cầu của khách, kiểm tra xem các dịch vụ có đáp ứng đúng yêu cầu của khách không và giúp khách trong các việc điện thoại, nhận và ký gửi đồ, thanh toán… Những công việc này đều yêu cầu nghiệp vụ và hành vi ứng xử theo các nguyên tắc giao tiếp quốc tế nhất định và phù hợp. 

7. Phục vụ bàn, bar, buồng, bếp

Thông thường các bữa ăn, bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn đều do các nhân viên phục vụ bàn, bếp, bar đảm nhận. Một bàn tiệc trong nhà hàng, khách sạn không chỉ phải thể hiện sự sang trọng, chuẩn mực của bài trí, sắp xếp, mà trình tự phục vụ khách cũng phải khéo léo, hấp dẫn, thể hiện cả chiều sâu văn hóa lẫn mục đích của bữa tiệc. Màu sắc, hương vị từng món ăn, nghệ thuật phục vụ, cho đến từng đoá hoa bài trí trên bàn tiệc, từng nếp gấp tinh tế của chiếc khăn ăn như chúng ta thấy đều là kết quả công việc của những nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế và các đầu bếp. 

Như vậy, có thể thấy rằng ngành Du lịch không chỉ đem lại cho sinh viên những kiến thức chuyên môn mà còn mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để tìm kiếm được việc làm phù hợp với chuyên ngành của mình trong ngành Du lịch cần có sự nỗ lực học tập, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng mềm như giao tiếp, tổ chức, quản lý, giải quyết vấn đề,... Ngoài ra, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp ngành Du lịch để có thêm thông tin về cơ hội việc làm của ngành học này.

ZUNIA tổng hợp