Triển vọng nghề nghiệp ngành Kinh doanh thương mại
Học ngành Kinh doanh thương mại ra trường làm gì? Mức lương và cơ hội việc làm ra sao? vẫn đang là nỗi băn khoăn không nhỏ của các sĩ tử Gen-Z. Qua những thông tin mà Zunia tổng hợp dưới đây, hi vọng sẽ giúp bạn định hướng cho nghề nghiệp tương lai.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, ngành Kinh doanh thương mại trở thành một trong những ngành học “siêu hot” dành cho các bạn yêu thích học kinh tế. Hiện nay các trường đang nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu về quản trị kinh doanh thương mại, hoạt động thương mại. Vậy mức lương và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành học này sẽ ra sao?
1. Mức lương của ngành Kinh doanh thương mại
Cũng như các lĩnh vực ngành nghề khác, mức lương của ngành Kinh doanh thương mại tuỳ thuộc vào quy mô doanh nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của mỗi người. Theo thống kê của trang Vieclamvui, có thể chia mức lương ngành Kinh doanh thương mại theo các cấp độ như sau:
Mức lương trung bình theo kinh nghiệm:
- Sinh viên mới tốt nghiệp: Từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.
- Nhân viên có 2 - 3 năm kinh nghiệm: Từ 9 - 14 triệu đồng/tháng.
- Nhân viên có 4 -5 năm kinh nghiệm: Từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
- Nhóm quản lý, trưởng phòng: Từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Mức lương trung bình theo vị trí công việc:
- Chuyên viên dịch vụ khách hàng: Từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
- Chuyên viên thu mua: Từ 9 - 12 triệu đồng/tháng.
- Chuyên viên xuất nhập khẩu: Từ 10 - 14 triệu đồng/tháng
- Quản lý kho: Từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
- Quản lý kinh doanh: Từ 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương tham khảo và có thể khác nhau tùy thuộc vào từng vị trí và từng tổ chức, cũng như có thể được điều chỉnh theo từng giai đoạn trong sự nghiệp của mỗi người.
2. Học ngành Kinh doanh thương mại ra trường làm gì?
Học ngành Kinh doanh thương mại là một trong những lựa chọn phổ biến của nhiều học sinh hiện nay. Tuy nhiên, khi đạt được bằng cấp trong lĩnh vực này, không phải ai cũng biết chính xác mình sẽ làm gì. Với những kiến thức và kỹ năng được học trong suốt quá trình đào tạo, có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp mà sinh viên có thể chọn lựa sau khi tốt nghiệp. Để hiểu kĩ hơn về cơ hội việc làm của ngành học này, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp Ngành Kinh doanh thương mại mà Zunia đã tổng hợp.
2.1. Các vị trí công việc của Cử nhân ngành Kinh doanh thương mại
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Kinh doanh thương mại, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc trong các tổ chức và doanh nghiệp. Dưới đây là một số vị trí công việc phổ biến cho những người tốt nghiệp ngành Kinh doanh thương mại:
- Nhân viên kinh doanh
- Chuyên viên xuất nhập khẩu
- Chuyên viên bộ phận thu mua
- Chuyên viên chăm sóc khách hàng
- Chuyên viên Marketing, PR
- Cửa hàng trưởng, trưởng ngành hàng
- Giảng viên, nghiên cứu viên về Kinh doanh thương mại
2.2. Cơ hội việc làm của ngành Kinh doanh thương mại
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, Kinh doanh thương mại trở thành một trong những ngành nghề không thể thiếu. Sinh viên tốt nghiệp ngành học này có nhiều lựa chọn nghề nghiệp với đa dạng môi trường làm việc.
Cử nhân ngành Kinh doanh thương mại có thể làm việc tại các công ty, cửa hàng trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh, thương mại; sản xuất, tiêu dùng. Nếu có vốn ngoại ngữ tốt, việc ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn nước ngoài cũng sẽ thuận lợi hơn.
Với những bạn yêu thích công việc giảng dạy thì các trường có đào tạo ngành Kinh doanh thương mại hoặc tổ chức các khóa ngắn hạn về kinh doanh thương mại sẽ là một điểm đến phù hợp với các bạn.
3. Ngành Kinh doanh thương mại phù hợp với những ai?
Cũng giống như những ngành học khác, để có thể theo đuổi và thành công với ngành Kinh doanh thương mại đòi hỏi bạn phải có những tố chất, điểm mạnh phù hợp với nó. Các tố chất phù hợp với ngành Kinh doanh thương mại bao gồm:
- Đam mê kinh doanh: Nếu bạn là một người có khiếu “làm ăn” và yêu thích việc làm chủ thì rất phù hợp với Kinh doanh thương mại. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều áp lực, rủi ro và rất dễ thất bại. Do đó, để có thể gắn bó lâu dài và thành công, yếu tố quyết định chính là niềm đam mê mãnh liệt với kinh doanh.
- Ham học hỏi, yêu thích tìm hiểu thông tin đời sống kinh tế, xã hội: Kinh doanh thương mại là ngành học thiên về kỹ năng thực tiễn, do đó, ham học hỏi, yêu thích tìm hiểu thông tin về các lĩnh vực của đời sống như văn hóa, kinh tế, xã hội là một lợi thế rất lớn khi theo ngành này.
- Có kỹ năng giao tiếp, đàm phán và nắm bắt tâm lý: Để hòa mình vào môi trường kinh doanh trong bối cảnh hội nhập, bạn phải trang bị cho mình vốn kỹ năng nghề nghiệp sâu và rộng như kỹ năng giao tiếp, đàm phán và nắm bắt tâm lý người khác bởi kinh doanh thương mại chú trọng vào hoạt động mua - bán hàng là chủ yếu.
- Có khả năng ngoại ngữ, tin học tốt: Bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi bạn phải có khả năng ngoại ngữ và tin học tốt. Khi đã nắm vững các công cụ này kết hvới năng lực chuyên môn, bạn có thể hội nhập dễ dàng với thế giới và thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Tóm lại, ngoài những tố chất phù hợp theo học ngành Kinh doanh thương mại nói trên, để gặt hái được thành công ở lĩnh vực này, bạn còn phải là người tự tin, năng động, sáng tạo, có khả năng làm việc nhóm, trình bày vấn đề, kiên trì và chịu được áp lực công việc cao,… Ngoài ra, để tìm hiểu thêm những thông tin về tuyển sinh và ngành nghề trong tương lai của ngành học này, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức.
ZUNIA tổng hợp