5 lý do bạn nên chọn học ngành Công nghệ thực phẩm

Có nên cân nhắc theo học ngành Công nghệ thực phẩm hay không? vẫn đang là phân vân của các bạn học sinh. Bài viết dưới đây của Zunia chia sẻ đến bạn một số lý do nên lựa chọn ngành học này, cùng tham khảo nhé!

5 lý do bạn nên chọn học ngành Công nghệ thực phẩm

Ngành Công nghệ thực phẩm đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người khi đóng góp vào việc sản xuất và bảo quản thực phẩm an toàn và đảm bảo chất lượng cho con người. Nếu bạn đang phân vân trong việc chọn lựa ngành học, thì ngành Công nghệ thực phẩm sẽ là một lựa chọn đáng để bạn cân nhắc. Bởi đây là một ngành đa dạng đầy tiềm năng, có thể đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển trong tương lai. Hiện có rất nhiều trường Đại học - Cao đẳng đào tạo và tuyển sinh ngành Công nghệ thực phẩm với chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy, giảng viên giảng dạy và cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại để bạn cân nhắc và lựa chọn môi trường học tập phù hợp.

1. Tại sao nên chọn ngành Công nghệ thực phẩm?

Công nghệ thực phẩm là một ngành đầy tiềm năng, có thể đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển trong tương lai. Dưới đây là một số lý do để bạn cân nhắc có nên lựa chọn ngành học này cho kỳ tuyển sinh năm nay.

1.1 Ngành học đón đầu xu thế hội nhập

Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu sắc với những bước tiến mạnh mẽ. Trong những năm qua, ngành Công nghệ thực phẩm đang dần từng bước khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới.

Cùng với xu hướng hội nhập, ngành Công nghệ thực phẩm đã mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Quốc tế. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng, đầu tư để đa dạng hóa chủng loại và chất lượng sản phẩm. Do vậy, thị trường lao động luôn rộng mở, giang tay đón chào các kỹ sư Công nghệ thực phẩm vào những vị trí tuyển dụng thích hợp nhằm đẩy mạnh và phát triển ngành Công nghệ thực phẩm trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

1.2 Thị trường rộng mở

Việt Nam là một đất nước với dân số đông, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế đòi hỏi ngày càng nhiều.

Trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những Quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy – hải sản. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả và triệt để. Nguyên nhân chính là do nước ta đang thực sự thiếu những lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm. Vì vậy, học ngành Công nghệ thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn một mảnh đất màu mỡ để khai thác và thể hiện bản thân trên thị trường rộng mở.

1.3 Công nghệ đào tạo hiện đại

Theo học ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên sẽ có cơ hội nhận được sự trợ giúp từ các dịch vụ hỗ trợ học tập, workshop hướng nghiệp bài bản cho sinh viên xuyên suốt quá trình theo học như: hệ thống phòng máy, phòng thí nghiệm, phòng thực hành đạt chuẩn Quốc tế, thư viện hiện đại,...

Sinh viên học tập và nghiên cứu trong ngành Công nghệ thực phẩm luôn được tạo điều kiện trong việc sử dụng trang thiết bị và các tài liệu học tập tốt nhất có thể. Vì trang thiết bị phục vụ học tập chính là “vũ khí” cho ta rèn luyện trước khi ra mắt nhà tuyển dụng.

1.4 Trải nghiệm ngành học thực tế

Đến với ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên được trải nghiệm kiến thức ngành học của mình bằng các buổi thực hành, thí nghiệm. Hơn thế nữa, các học kỳ, sinh viên đều được đi tham quan trong các công ty, nhà máy sản xuất và chế biến thực phẩm.

Đồng thời, các trường đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm luôn tạo một môi trường kích thích tư duy, đề cao tính sáng tạo, thực tiễn, tạo nhiều cơ hội để sinh viên cọ xát với công việc thực tế. Nhờ đó, trong những năm qua kỹ năng thực tế của sinh viên Công nghệ thực phẩm luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

1.5 Cơ hội nghề nghiệp đa dạng

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm sẽ có khả năng đảm nhận công việc với các vị trí như: Kỹ sư quản lý quá trình chế biến, bảo quản, kiểm định thực phẩm, dây chuyền sản xuất,... tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực thực phẩm; chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế dự phòng;...

Ngoài ra, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm mà Zunia đã tổng hợp để lắng nghe các chuyên gia chia sẻ thêm về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, kỹ năng để thành công trong ngành Công nghệ thực phẩm sau khi tốt nghiệp.

2. Những kỹ năng cần thiết khi chọn ngành Công nghệ thực phẩm

Để theo học và thành công trong ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên cần trang bị các kỹ năng cần thiết bao gồm:

- Kiến thức chuyên môn: Để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm, bạn cần có kiến thức vững chắc về các quy trình sản xuất thực phẩm, công nghệ bảo quản và chế biến thực phẩm, kỹ thuật phân tích và kiểm tra chất lượng thực phẩm.

- Kỹ năng nghiên cứu: Tìm hiểu, đưa ra các giải pháp và áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm, bạn cần có kỹ năng nghiên cứu vững vàng.

- Kỹ năng sáng tạo: Công nghệ thực phẩm là lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và phát triển liên tục, do đó bạn cần có kỹ năng sáng tạo để đưa ra các ý tưởng mới và phát triển sản phẩm thực phẩm độc đáo.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, có thể xảy ra các vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm, bạn cần có kỹ năng giải quyết vấn đề để xử lý tình huống đó một cách nhanh chóng và hiệu quả.

- Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Trong ngành Công nghệ thực phẩm, bạn sẽ phải làm việc với nhiều đối tác khác nhau, từ giáo viên, đồng nghiệp cho đến khách hàng. Do đó, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.

- Kỹ năng quản lý thời gian: Trong ngành Công nghệ thực phẩm, có nhiều công việc cần phải hoàn thành trong thời gian ngắn, do đó kỹ năng quản lý thời gian là rất quan trọng để hoàn thành công việc đúng hạn.

Tóm lại, để thành công trong ngành Công nghệ thực phẩm, bên cạnh những kiến thức chuyên môn cần nắm vững, bạn cần trang bị thêm các kỹ năng nghề nghiệp về nghiên cứu, sáng tạo, giải quyết các vấn đế phát sinh trong quá trình làm việc tại lĩnh vực này. Ngoài ra, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và giải đáp thắc mắc trực tiếp với các giảng viên uy tín trong ngành Công nghệ thực phẩm để có cái nhìn toàn diện hơn về ngành học này.

ZUNIA tổng hợp