7 lí do bạn nên cân nhắc theo học ngành Kỹ thuật xây dựng

Tại sao nên chọn học ngành Kỹ thuật xây dựng? Ngành học này có phải đã lỗi thời? Bài viết dưới đây được Zunia tổng hợp những thông tin về ngành học này nhằm giúp bạn tìm câu trả lời cho thắc mắc trên.

7 lí do bạn nên cân nhắc theo học ngành Kỹ thuật xây dựng

1. Ngành Kỹ thuật xây dựng là gì?

Kỹ thuật xây dựng là ngành nghiên cứu các kiến thức về thiết kế, tư vấn, tổ chức thi công, giám sát, và nghiệm thu các công trình kiến trúc - xây dựng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người, bao gồm: nhà ở, khách sạn, nhà hàng, công viên, bến cảng, bệnh viện, trường học, nhà máy,…

Hiện nay, nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ngày càng được chú trọng. Do đó, hiện có rất nhiều trường Đại học - Cao đẳng tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng nhằm cung cấp nguồn nhân lực trẻ, chuyên môn cao đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và xã hội.

2. Tại sao nên chọn ngành Kỹ thuật xây dựng?

Có thể bạn nghĩ Kỹ thuật xây dựng là một ngành học khô khan và đã lỗi thời. Dưới đây là một số lí do để bạn "quay xe" và cân nhắc có nên chọn ngành này cho kì tuyển sinh năm nay.

2.1 Thỏa sức sáng tạo, theo đuổi đam mê

Bạn thích sáng tạo, thiết kế và hiện thực hóa những ý tưởng của mình? Kỹ thuật xây dựng sẽ là ngành học mà bạn nên cân nhắc đầu tiên. Với kiến thức chuyên môn về thiết kế, thi công công trình được trang bị trong suốt thời gian học, bạn có thể thỏa sức sáng tạo thiết kế, tạo ra các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao tại Việt Nam và trên thế giới.

2.2 Ngành luôn gắn liền với sự phát triển xã hội

Đời sống kinh tế phát triển thì nhu cầu về xây dựng nhà ở, công trình công cộng, tòa nhà thương mại kiên cố đang được chú trọng phát triển. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành xây dựng sẽ luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội.

2.3 Nghề luôn "khát" nhân lực

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cùng với sự chuyển dịch kinh tế từ Nông nghiệp sang Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ, xã hội cần một lượng lớn kỹ sư xây dựng phục vụ cho các công trình, cơ sở hạ tầng giao thông đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Có thể nói nghề xây dựng rất “đắt hàng” bởi cung không đủ cầu.

2.4 Môi trường làm việc đa dạng

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm ngay ở các vị trí như cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước chuyên ngành; kỹ sư tư vấn trong các doanh nghiệp khối tư nhân trong và ngoài nước; kỹ sư thi công, giám sát thi công, quản lý dự án trong các dự án xây dựng;…

2.5 Không cần nhờ “chạy việc”

Với môi trường làm việc đa dạng, nhiều cơ hội việc làm trong và ngoài nước, “chạy việc” hầu như không tồn tại trong lĩnh vực xây dựng khi bạn khẳng định được năng lực của bản thân. Do đó đối với những thí sinh không có điều kiện về kinh tế, không có nhiều mối quan hệ xã hội thì ngành xây dựng rất thích hợp để các thí sinh lựa chọn.

2.6 Được trang bị kiến thức, kỹ năng toàn diện

Cơn khát nhân lực ngày càng cao của ngành xây dựng không đồng nghĩa với việc các nhà tuyển dụng dễ dãi đối với ứng viên mà đòi hỏi khả năng tiếp nhận xử lý công việc một cách chuyên nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu của các, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn cùng các kỹ năng nghề nghiệp để tự tin ứng tuyển vào các vị trí mà doanh nghiệp yêu cầu.

2.7 Chi phí thấp

Tại các trường đại học công lập, học phí ngành Kỹ thuật xây dựng dao động khoảng 9-16 triệu/năm học. Ngoài ra, mỗi năm các trường đều xét học bổng cho thủ khoa đầu vào, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, những bạn có hoàn cảnh khó khăn học tốt. Đây cũng là nguồn động lực động viên học tập dành cho sinh viên.

Ngoài ra, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng mà Zunia đã tổng hợp để tìm hiểu thêm thông tin về ngành học này và nghe lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu.

3. Kỹ năng cần thiết khi chọn ngành Kỹ thuật xây dựng

Để học tập và thành công trong ngành Kỹ thuật xây dựng, bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết sau:

- Kiến thức cơ bản về Khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán học

- Kỹ năng vẽ kỹ thuật

- Kỹ năng tính toán, phân tích, giải quyết vấn đề

- Kỹ năng tư duy sáng tạo

- Kỹ năng khai thác, tổng hợp thông tin

- Kỹ năng quản lý, đánh giá dự án

- Kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết trình

- Kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm

- Chăm chỉ, cần cù, chịu được áp lực công việc cao

Tóm lại, để theo học và thành công trong ngành Kỹ thuật xây dựng, bạn cần trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khả năng tính toán, phân tích, giải quyết vấn đề trong quá trình thực hiện dự án xây dựng.

Ngoài ra, để tìm hiểu thêm thông tin về ngành Kỹ thuật xây dựng, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức.

ZUNIA tổng hợp