9 vị trí công việc đáng mơ ước dành cho cử nhân ngành Luật
Học Luật ra trường làm những công việc gì? vẫn đang là thắc mắc của thí sinh trong quá trình chọn ngành, chọn nghề. Bài viết dưới đây của Zunia sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên, cùng theo dõi nhé!
1. Nhu cầu nhân lực ngành Luật tại Việt Nam hiện nay
Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, nhân sự ngành Luật vẫn tăng trong thời gian tới. Nhu cầu nhân lực có thể lên đến 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên,… Con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, nhu cầu ngành luật sẽ rất lớn tạo cơ hội việc làm dồi dào với mức lương hấp dẫn.
Sự thiếu hụt nhân lực ngành Luật tại các công ty và doanh nghiệp khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng, đặc biệt là thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao kết hợp với khả năng ngoại ngữ trong các lĩnh vực như: luật sở hữu trí tuệ, luật kinh doanh thương mại kinh tế, luật đầu tư, luật thương mại quốc tế,… điều này đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Luật trong tương lai.
Thêm vào đó, làm việc trong ngành Luật cũng mang lại rất nhiều cơ hội để tự khẳng định bản thân, phát triển khả năng độc lập. Một trong những xu hướng được ưu tiên lựa chọn hiện nay chính là thành lập văn phòng luật sư của riêng mình. Tuy nhiên, ngành Luật luôn có yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm. Để thăng tiến trong công việc cũng cần có năng lực và kinh nghiệm. Vì thế, bạn phải không ngừng trau dồi kiến thức, phát triển bản thân.
Ngoài ra, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp Ngành Luật mà Zunia đã tổng hợp để lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia và hiểu kĩ hơn về cơ hội việc làm của ngành học này trong tương lai.
2. 9 vị trí công việc hấp dẫn cho cử nhân ngành Luật
Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, bạn sẽ có cơ hội được làm việc tại các vị trí sau:
2.1 Luật sư
Luật sư hẳn là công việc được nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành luật. Bởi đây là công việc tiêu biểu và thể hiện rõ đặc thù của ngành luật. Công việc của luật sư bao gồm: nghiên cứu hồ sơ và pháp luật để tư vấn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng; tư vấn và hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ khởi kiện, công văn, giấy tờ trao đổi giữa khách hàng, các bên và các cơ quan có liên quan; thay mặt và/hoặc cùng với khách hàng tham dự các buổi làm việc với các bên và cơ quan có liên quan phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng;...
Mức lương của Luật sư hiện nay dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng.
2.2 Công chứng viên
Công chứng viên làm việc tại các phòng công chứng Nhà nước. Nhiệm vụ chủ yếu của công chứng viên là xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch trong xã hội, xác nhận chữ ký của cá nhân, công chứng các bản sao từ nguyên gốc (bản chính), các bản dịch từ tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, công chứng viên còn chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm định hợp đồng, hồ sơ theo quy định pháp luật.
Mức lương trung bình tại vị trí Công chứng viên dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng.
2.3 Chuyên viên pháp lý
Chuyên viên pháp lý là người tư vấn, giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật cho doanh nghiệp. Tham gia soạn thảo, kiểm tra tính phù hợp các văn bản nội bộ, các hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư, đại diện công ty làm việc với các cơ quan hữu quan và tham gia tố tụng khi có yêu cầu.
Mức lương trung bình tại ví trí Chuyên viên pháp lý dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng.
2.4 Kiểm sát viên/Công tố viên
Kiểm sát viên/Công tố viên là người của cơ quan công tố. Công việc chính là điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự và phiên tòa xét xử. Ngoài ra, họ có thể thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.
Vị trí Kiểm sát viên/Công tố viên có mức lương cứng dao động từ 8-10 triệu/tháng + phụ cấp là 25%/tháng.
2.5 Thư ký tòa án
Thư ký tòa án là công chức làm việc tại Tòa án. Nhiệm vụ của Thư ký tòa án là ghi chép, tổng hợp các văn bản tố tụng, quản lý hồ sơ, hỗ trợ cho thẩm phán trong việc xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật.
Mức lương của Thư ký tòa án dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp của nhà nước.
2.6 Chấp hành viên
Chấp hành viên làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự. Khi toà án đã ra phán quyết mà một hoặc nhiều bên liên quan không chịu chấp hành, bằng các hình thức mà Nhà nước cho phép chấp hành viên buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Mức lương của Chấp hành viên dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp của nhà nước.
2.7 Thẩm tra viên
Thẩm tra viên làm việc tại các toà án nhân dân tối cao, chuyên nghiên cứu hồ sơ các vụ án đã được xét xử, đề xuất với lãnh đạo xem xét lại các bản án của toà án cấp dưới.
Mức lương của Thẩm tra viên dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp của nhà nước.
2.8 Thẩm phán
Thẩm phán chắc hẳn là ước mơ lớn của rất nhiều sinh viên ngành luật. Đây là chức danh cao quý thuộc về những người có nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” bảo vệ công lý và thực thi pháp luật. Thẩm phán làm việc tại tòa án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan Nhà nước cưỡng chế thi hành.
Thẩm phán có mức lương trung bình là 8 triệu đồng/tháng kèm phụ cấp theo quy định của nhà nước.
2.9 Pháp chế doanh nghiệp
Trong nền kinh tế mở cửa hiện nay, rủi ro trong kinh doanh là rất lớn buộc doanh nghiệp phải tìm cách phòng ngừa. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã thành lập hẳn một phòng/ban pháp chế. Pháp chế doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát, kiểm soát các hoạt động của các bộ phận trong doanh nghiệp hoạt động tuân thủ các quy định, quy chế nội bộ của doanh nghiệp. Hướng dẫn, tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp trong việc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Mức lương trung bình của Pháp chế doanh nghiệp dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào công việc và quy mô doanh nghiệp.
Tóm lại, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Luật rất rộng mở và đa lĩnh vực. Sau khi ra trường bạn sẽ có cơ hội làm việc tại toà án, các cơ quan công an, hoặc bạn cũng có thể xin vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các công ty với vai trò là một chuyên viên pháp lý, hay cố vấn pháp lý cho các ban lãnh đạo.
Ngoài ra, để tham khảo thêm thông tin về cơ hội việc làm cũng như tiềm năng phát triển của ngành Luật, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học hàng đầu tổ chức để được giải đáp thắc mắc cùng các giảng viên giàu kinh nghiệm.
ZUNIA tổng hợp