7 công việc hấp dẫn cho Cử nhân ngành Công nghệ dệt, may
Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, ngành Công nghệ dệt, may trở thành một ngành mũi nhọn không thể thiếu mang đến đa dạng các cơ hội việc làm dành cho sinh viên đang theo học. Cụ thể, học ngành này ra trường làm những gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

1. Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ dệt, may
2. 7 công việc hấp dẫn ngành Công nghệ dệt, may
2.2 Chuyên viên tư vấn công nghệ may mặc
2.3 Chuyên viên quản lý chất lượng sản phẩm
2.4 Chuyên viên định mức giá sản phẩm
2.5 Chuyên viên giám sát quy trình sản xuất
Ngành Công nghệ dệt, may là một trong những ngành công nghiệp truyền thống lâu đời của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xuất khẩu của đất nước. Với sự phát triển của nền kinh tế và ngày càng tăng nhu cầu sản xuất, thị trường lao động trong ngành này đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Điều đó đặt ra nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển của ngành Công nghệ dệt, may. Trong bối cảnh đó, ngành Công nghệ dệt, may được tuyển sinh và đào tạo tại các trường Đại học - Cao đẳng nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động trong lĩnh vực này.
1. Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ dệt, may
Ngành Dệt may Việt Nam nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Mỗi năm ngành Dệt may tạo ra khoảng 2,3 triệu việc làm. Mặc dù có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào - song, nhân lực ngành này vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành Dệt may Việt Nam đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, cũng như có thể đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành Công nghệ dệt, may là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhất trong tương lai, với mức tăng trưởng khoảng 8-10% mỗi năm. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo rằng ngành Công nghệ dệt, may sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới với tốc độ tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Điều này cũng mang lại cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên theo học ngành Công nghệ dệt, may bởi những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ được trang bị trong quá trình học có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Để hiểu kĩ hơn về cơ hội việc làm của ngành học này, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp Ngành Công nghệ dệt, may mà Zunia đã tổng hợp để lắng nghe các chuyên gia chia sẻ về những thách thức, và yêu cầu nghiệp vụ tại các doanh nghiệp may mặc hiện nay.
2. 7 công việc hấp dẫn ngành Công nghệ dệt, may
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ dệt, may có thể ứng tuyển làm việc tại các vị trí công việc sau:
2.1 Nhà thiết kế thời trang
Thiết kế thời trang là một ngành nghề rất khả quan, cũng như mang lại mức thu nhập khá hấp dẫn cho bạn, theo học ngành Công nghệ dệt, may, bạn hoàn toàn có thể trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Bạn có thể làm nghề tự do, hoặc trở thành những nhà thiết kế chuyên nghiệp của các công ty thời trang. Khi làm công việc này, bạn sẽ tự mình sáng tạo và thiết kế ra nhiều thể loại trang phục phù hợp xu hướng thời trang và nhu cầu của đơn hàng, người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng đòi hỏi sản phẩm thời trang có chất lượng tốt hơn, thiết kế ấn tượng hơn và sẵn sàng chi trả số tiền lớn cho quần áo, túi xách, giày dép. Do vậy, cơ hội cho những nhà thiết kế thời trang trẻ cũng rất tiềm năng trong tương lai.
2.2 Chuyên viên tư vấn công nghệ may mặc
Chuyên viên tư vấn công nghệ may mặc là người có nhiệm vụ tư vấn về các công nghệ sản xuất may mặc, đưa ra giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Công việc của chuyên viên tư vấn công nghệ may mặc bao gồm: đánh giá và phân tích quy trình sản xuất để đưa ra các giải pháp cải tiến, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất và giảm chi phí sản xuất; tư vấn về chọn lựa thiết bị, máy móc sản xuất phù hợp để tối ưu hóa quy trình sản xuất;...
Mức lương của Chuyên viên tư vấn công nghệ may mặc thường dao động từ khoảng 8-15 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm và trình độ của từng cá nhân.
2.3 Chuyên viên quản lý chất lượng sản phẩm
Chuyên viên quản lý chất lượng sản phẩm chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng của các sản phẩm may mặc và quản lý chất lượng hệ thống quy trình sản xuất may công nghiệp. Đây là một công việc rất quan trọng trong các xưởng may mặc, các công ty thời trang vì việc đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, sẽ giúp nâng cao uy tín doanh nghiệp, giúp các sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng hoàn hảo nhất.
Chuyên viên quản lý chất lượng sản phẩm có thể làm tại phòng QA (quality asurance), QC (quality control), KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) tại các công ty dệt may. Hoặc thú vị hơn là làm kiểm định chất lượng tại các Văn phòng đại diện của các thương hiệu nước ngoài đặt tại Việt Nam như: GAP, Nike, Unilo, Decathlon, Adidas,...
2.4 Chuyên viên định mức giá sản phẩm
Thay vì trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm may mặc, sinh viên ngành Công nghệ dệt, may có thể đảm nhận vị trí của một người định mức giá cho sản phẩm của công ty.
Công việc của Chuyên viên định mức giá sản phẩm là nghiên cứu thị trường, tìm hiểu và đánh giá giá trị của sản phẩm dệt may, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí quản lý và lợi nhuận,... và đưa ra các đề xuất giá chính xác cho sản phẩm may mặc.
Mức lương của Chuyên viên định mức giá sản phẩm thường dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng, tùy vào kinh nghiệm và trình độ của từng cá nhân.
2.5 Chuyên viên giám sát quy trình sản xuất
Đây là một công việc rất quan trọng trong quy trình sản xuất may mặc. Người giám sát sẽ phải quản lý năng suất, chất lượng, tiến độ từ những khâu cơ bản nhất, cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm dựa trên kế hoạch và quy trình sản xuất,... công việc này sẽ giúp cho các sản phẩm được tạo ra chất lượng và hoàn thiện hơn.
Mức lương của Chuyên viên giám sát quy trình sản xuất thường dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng tùy theo kinh nghiệm và trình độ của từng cá nhân.
2.6 Chuyên viên quản lý đơn hàng (Merchandise)
Bộ phận merchandise có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp may mặc bởi lẽ, để vận hành một hệ thống sản xuất cần có ít nhất 3 bên: nhà cung ứng nguyên vật liệu, doanh nghiệp và khách hàng. Merchandise đảm bảo thời gian sản xuất và giao hàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tìm kiếm giải pháp giảm chi phí sản xuất mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, cùng với đó là quản lý lượng hàng tồn kho và đảm bảo tình trạng cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ.
Mức lương của Chuyên viên quản lý đơn hàng thường dao động từ 10-25 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực của mỗi người.
2.7 Tự mở tiệm may, xưởng may
“Khởi nghiệp” sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ dệt, may là một lựa chọn khá hấp dẫn cho bạn. Bạn có thể huy động vốn để tự kinh doanh dịch vụ may mặc tại nhà hoặc mở xưởng, thuê nhân công và nhận đơn đặt hàng từ khách hàng bên ngoài.
Công việc của chủ tiệm may hoặc xưởng may bao gồm quản lý sản xuất, tìm kiếm khách hàng, định giá, lên kế hoạch sản xuất và quản lý đội ngũ thợ may. Ngoài ra, họ cũng phải quản lý tài chính, mua sắm vật liệu, máy móc thiết bị và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
Mức lương của chủ tiệm may hoặc xưởng may phụ thuộc vào quy mô, quản lý hiệu quả, cách thức quảng cáo sản phẩm, vị trí địa lý, chất lượng sản phẩm, quan hệ khách hàng và nhân viên của doanh nghiệp. Thông thường, mức lương của chủ tiệm may hoặc xưởng may được tính dựa trên lợi nhuận sau khi trừ chi phí hoạt động.
Tóm lại, Ngành Công nghệ dệt, may đang là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cao tại Việt Nam, cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp cũng như những người đã có kinh nghiệm với đa dạng các ví trí khác nhau. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được yêu cầu của các công việc trong ngành, các ứng viên cần phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực tế, sáng tạo và cập nhật xu hướng mới nhất về thẩm mỹ của lĩnh vực may mặc, thời trang.
Ngoài ra, để tham khảo thêm thông tin về cơ hội việc làm cũng như tiềm năng phát triển của ngành Công nghệ dệt, may trong tương lai, các bạn có thể tham gia các Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học hàng đầu tổ chức đẻ có cơ hội được gặp gỡ và giải đáp thắc mắc trực tiếp cùng các giảng viên uy tín trong ngành Công nghệ dêt, may.
ZUNIA tổng hợp