Học ngành Quản trị và phân tích dữ liệu ra trường làm gì?

Mar 27, 2023 | KHOA HỌC MÁY TÍNH

Học Quản trị và phân tích dữ liệu ra trường làm gì? Cơ hội việc làm, mức lương ra sao? vẫn đang là nỗi băn khoăn không nhỏ của các sĩ tử Gen-Z. Với những thông tin được Zunia tổng hợp dưới đây, hi vọng sẽ giúp bạn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho bản thân.

Học ngành Quản trị và phân tích dữ liệu ra trường làm gì?

Nhiều sinh viên vẫn lầm tưởng rằng cơ hội khi tốt nghiệp ngành Quản trị và phân tích dữ liệu chỉ có thể là Chuyên gia phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, sự thật là các sinh viên tốt nghiệp từ trường đào tạo ngành Quản trị và phân tích dữ liệu sẽ có nhiều hơn một vị trí việc làm tiềm năng, bất kể lựa chọn chuyên ngành của bạn. Nhìn chung, một số vai trò phổ biến của sinh viên ngành Quản trị và phân tích dữ liệu bao gồm:

1. Chuyên gia phân tích trí tuệ doanh nghiệp (Business Intelligence Analyst)

Để hiểu đơn giản, BI (hay còn được gọi là trí tuệ doanh nghiệp) là một dạng công nghệ giúp doanh nghiệp hiểu biết về quá khứ, qua đó đưa ra quyết định, hành động và dự đoán tương lai. Mà muốn hiểu về doanh nghiệp thì cần biết số liệu tài chính và vận hành của chúng. Vì vậy, nhiệm vụ của những chuyên viên BI là giúp doanh nghiệp phân loại, phân tích, đánh giá chỉ số đo hiệu suất (KPI), tổng quan chính xác về hiệu suất kinh doanh và xác định các lĩnh vực cần cải thiện để giúp tổ chức ra các quyết định dựa trên số liệu (data-driven decision). 

2. Chuyên gia phân tích dữ liệu (Data Analyst)

Data Analyst là người phân tích dữ liệu để đưa ra những đề xuất chiến lược cho công ty. Sau khi thu thập được dữ liệu “thô”, các nhà phân tích dữ liệu sẽ có nhiệm vụ phân tích, diễn giải và đưa ra kết quả có ý nghĩa dựa trên mục đích tiến hành nghiên cứu ban đầu. Từ những dữ liệu nghiên cứu thị trường, nhà nghiên cứu có thể đưa ra những dự đoán về xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nói riêng cũng như bao quát trên toàn ngành. Data Analyst chính là người cần sở hữu nhiều kiến thức về kinh doanh nhất bởi lẽ họ sẽ là những người có mối quan hệ mật thiết với bộ phận Sales hay Marketing với vai trò đề xuất hướng đi chiến lược dựa trên dữ liệu được phân tích.

3. Kỹ sư khoa học dữ liệu (Data Scientist)

Kỹ sư khoa học dữ liệu là công việc chuyên sâu hơn Chuyên gia Phân tích dữ liệu. Họ làm những công việc của Chuyên gia Phân tích dữ liệu như phân tích, sắp xếp và thay dữ liệu “kể chuyện”. Nhưng họ cũng có thêm các kỹ năng như Học máy (Machine learning), Lập trình cao (Advanced Programming), Mô hình dữ liệu (Data Modelling), xây dựng thuật toán. Nói một cách dễ hiểu, họ làm việc cũng dữ liệu và báo cáo cho công ty để đưa ra các quyết định sáng suốt nhất và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận.

4. Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer)

Kỹ sư dữ liệu là người xây dựng, kiểm tra và duy trì kiến trúc tổng hợp, lưu trữ và xuất dữ liệu từ những ứng dụng hay hệ thống được tạo ra bởi Kỹ sư phần mềm. Để hoàn thiện và phát triển nguồn dữ liệu, Data Engineer phải cải biến các quy trình thiết lập dữ liệu để mô hình hóa, khai thác và sản xuất dữ liệu.

5. Chuyên gia phân tích định lượng (Quantitative Analyst)

Chuyên gia phân tích định lượng là công việc được săn đón, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Các chuyên gia ở mảng này tham gia vào hoạt động buôn bán và giao dịch, xác định giá cả, tư vấn, môi giới, phân tích nhanh các vấn đề trong kinh doanh bằng phương pháp định lượng có sẵn và tìm kiếm những cơ hội đầu tư có lợi nhuận. Cụ thể như định giá các tài sản, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là chứng khoán phái sinh) bằng các mô hình dữ liệu, phân tích đầu tư, làm trung gian giao dịch cho khách hàng, buôn bán các hợp đồng phái sinh, …

Tổng hợp lại, ngành Quản trị và phân tích dữ liệu là một lĩnh vực đầy tiềm năng và cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho các cử nhân mới tốt nghiệp. Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và sự gia tăng của dữ liệu số, nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia phân tích dữ liệu và quản trị cơ sở dữ liệu ngày càng tăng. Vì thế, ngành Quản trị và phân tích dữ liệu sẽ là lựa chọn an toàn nếu bạn yêu thích lĩnh vực Khoa học máy tính. Ngoài ra, các bạn có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp ngành Quản trị và phân tích dữ liệu để tìm hiểu thêm về cơ hội việc làm của ngành học này.

ZUNIA tổng hợp