Ngành Khai thác thủy sản là gì? Nên học ở trường nào?
Khai thác thủy sản là một ngành học hấp dẫn và thu hút đông đảo thí sinh quan tâm trong thời gian gần đây. Nhằm giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành học này, bài viết dưới đây của Zunia xin chia sẻ thông tin tổng hợp về ngành Khai thác thủy sản.
1. Ngành Khai thác thủy sản là gì?
Ngành khai thác thủy sản (Mã ngành: 7620304) là ngành học liên quan đến việc quản lý, khai thác, sản xuất, xử lý và chế biến các loại sản phẩm từ các nguồn tài nguyên thủy sản, bao gồm cá, tôm, cua, sò, hàu, và các loài động vật thủy sản khác.
Mục tiêu của ngành học này là nhằm đào tạo Cử nhân Khai thác thủy sản có kiến thức cơ sở và chuyên ngành để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; có kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn hướng tới phát triển bền vững; có khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tùy thuộc vào mục đích và hướng đào tạo có sự khác biệt, từng trường sẽ áp dụng các chỉ tiêu, điểm chuẩn và quy trình xét tuyển khác nhau. Để hiểu rõ hơn về những tiêu chí này, bạn có thể tham khảo thông tin tuyển sinh ngành Khai thác thủy sản được Zunia tổng hợp nhé!
2. Chương trình đào tạo ngành Khai thác thủy sản
Chương trình đào tạo ngành Khai thá thủy sản trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng về điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, thống kê nghề cá cũng như kỹ năng kiểm tra, giám sát an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên các vùng nước; lập kế hoạch quản lý và giám sát hoạt động thủy sản, xây dựng các chính sách trong lĩnh vực quản lý thủy sản, quản lý tàu cá; thanh tra thủy sản; quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá; khuyến ngư, tư vấn dịch vụ nghề cá,...
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Khai thác thủy sản còn được trang bị các kỹ năng quản lý và tổ chức sản xuất, thiết kế, chế tạo và tổ chức thí nghiệm ngư cụ; khả năng nghiên cứu đánh giá, tổ chức thăm dò và dự báo khai thác thủy sản, có kỹ năng hàng hải và vận hành các hệ thống kỹ thuật trên tàu, hiểu biết về công tác an toàn sản xuất và tìm kiếm cứu nạn cũng như có kiến thức về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Một số môn học tiêu biểu trong chương trình đào tạo ngành Khai thác thủy sản bao gồm: Pháp luật hàng hải và nghề cá, Công nghệ chế tạo ngư cụ, An toàn tàu cá, Sinh thái học cá biển, Địa lý kinh tế nghề cá, Kinh tế và quản lý nghề cá, Khai thác thủy sản, Quản lý khai thác thủy sản, Quản lý cảng cá, Khuyến ngư, Truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác thủy sản,...
Để giải đáp những thắc mắc về chương trình học của ngành Khai thác thủy sản, bạn có thể tham gia Sự kiện Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với các giảng viên và cựu sinh viên trong ngành Khai thác thủy sản, nhận được sự giải đáp và tư vấn trực tiếp từ họ.
3. Điểm chuẩn ngành Khai thác thủy sản
Cùng với Nuôi trồng thủy sản, ngành Khai thác thủy sản hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ quý phụ huynh và các bạn học sinh. Vậy điểm chuẩn ngành Khai thác thủy sản là bao nhiêu? Trường nào đang tuyển sinh và đào tạo ngành Khai thác thủy sản? Cùng Zunia tìm hiểu nhé!
Trường | Tổ hợp môn | Điểm chuẩn |
Đại học Nha Trang | A00, A01, B00, D07 | 15.5 |
Hiện chỉ có duy nhất trường Đại học Nha Trang cung cấp chương trình đào tạo chất lượng về ngành Khai thác thủy sản, với giảng viên có trình độ cao và cơ sở vật chất tiên tiến. Ngoài ra, trường này cũng cung cấp nhiều chương trình học bổng và các hoạt động hỗ trợ sinh viên để phát triển kỹ năng và kiến thức của họ trong lĩnh vực Khai thác thủy sản. Nếu đang quan tâm và muốn theo học ngành Khai thác thủy sản bạn có thể cân nhắc trường mà Zunia đề cập phía trên nhé!
4. Phương thức xét tuyển ngành Khai thác thủy sản
Căn cứ theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học ngành Khai thác thủy sản của Bộ giáo dục và Đào tạo, các trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển như sau:
- Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023;
- Phương thức 2: Xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐHQG Hà Nội;
- Phương thức 3: Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12;
- Phương thức 4: Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và HK1 lớp 12).
Tuy nhiên, tùy thuộc vào đề án tuyển sinh của từng trường sẽ có thêm các phương thức tuyển sinh như: Xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, Xét kết quả thi SAT,...
5. Học ngành Khai thác thủy sản ra làm gì?
Cử nhân ngành Khai thác thủy sản sau khi tốt nghiệp có khả năng đảm nhận vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị sau:
- Cán bộ/chuyên viên tại các cơ quan quản lý nghề cá Trung ương và địa phương;
- Cán bộ giảng dạy/nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu nghề cá;
- Nhân viên kỹ thuật/quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực Khai thác thủy sản;
- Cán bộ/chuyên viên tại các cơ quan khuyến nông, khuyến ngư và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản;
- Nhân viên/điều phối viên tại các Tổ chức, Hội, Hiệp hội trong nước và quốc tế về khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.
Tóm lại, ngành Khai thác thủy sản cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, bởi vì nhu cầu về các sản phẩm thủy sản ngày càng tăng cao, cũng như sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ và xu hướng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản, ngành Khai thác thủy sản trở thành một lĩnh vực hấp dẫn và có tiềm năng cho các chuyên gia trong tương lai.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về ngành Khai thác thủy sản mà Zunia đã tổng hợp, mong rằng sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để lựa chọn ngành học này trong đợt tuyển sinh Đại học - Cao đẳng sắp tới. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghe thêm Podcast Hướng nghiệp Ngành Khai thác thủy sản mà Zunia đã tổng hợp, để lắng nghe các chuyên gia chia sẻ thêm thông tin về ngành học này cũng như xu hướng phát triển, kỹ năng thành công trong ngành Khai thác thủy sản.
ZUNIA tổng hợp